Bang Thượng Áo - Trung tâm sản xuất công nghiệp của nước Áo

Tiếng Việt

Từ ngày 22-23/8, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên sẽ thăm bang Thượng Áo và làm việc với Thống đốc bang, Thị trưởng thủ phủ Linz và tọa đàm, thăm các doanh nghiệp địa phương. Đại sứ quán Việt Nam tại Áo xin giới thiệu những lĩnh vực nổi bật của bang Thượng Áo mà Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác.

Bang Thượng Áo (Oberösterreich) là một trong 9 bang của Áo với thủ phủ là thành phố Linz. Bang này giáp Đức và Czech, cũng như các bang khác của Áo gồm Hạ Áo, Styria và Salzburg.

Với diện tích 11.980 km² và dân số 1,4 triệu người, Thượng Áo là bang lớn thứ tư của Áo về diện tích và thứ 3 về dân số.

Bang là địa điểm thuận lợi hàng đầu với môi trường kinh doanh năng động nhất cả nước, đặc biệt về xuất khẩu, công nghiệp và năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, đây là một địa điểm làm việc và kinh doanh hấp dẫn cho các nhân viên, công ty có trình độ cao.

Cờ của Bang Thượng Áo

Kinh tế và công nghiệp

GDP của bang Thượng Áo đạt trên 65 tỷ Euro/năm, chiếm hơn 17% GDP của cả nước Áo. GDP bình quân đầu người đạt 43.700 Euro, cao hơn khoảng 2% so với mức trung bình của Áo và cao hơn 32% so với mức tương tự của Liên minh châu Âu (EU).

Thượng Áo có hơn 680 nghìn người lao động, trong đó khoảng 18,5% là lao động nước ngoài. Thượng Áo đứng đầu cả nước về số lượng lao động trong ngành công nghiệp (gần 109 nghìn người). Tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 là 5%, thấp hơn so với mức 8% của Áo và 7,6% của EU.

Năm 2020, Thượng Áo xuất khẩu 36,7 tỷ Euro và nhập khẩu 28,2 tỷ Euro. Khoảng 40% xuất khẩu của bang bao gồm hàng hóa của ngành ô tô và cơ khí, 30% còn lại được đóng góp bởi sản xuất và chế biến kim loại, máy móc văn phòng và hóa chất.

Các cơ sở công nghiệp chính của bang Thượng Áo tập trung quanh các thành phố Linz, Steyr và Wels với định hướng xuất khẩu và cường độ nghiên cứu cao.

Các lĩnh vực công nghiệp quan trọng nhất của bang gồm: ngành ô tô (57% sản lượng của Áo), kim loại màu (45%), hóa chất (31%), chế biến và sản xuất kim loại, nhựa, giấy, gỗ và tự động hóa.

Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng gần đây các dịch vụ kinh doanh đang nổi lên.

Các doanh nghiệp lớn của bang Thượng Áo

Ngành sản xuất sắt thép và kim loại khác: Voestalpine, AMAG;

Ngành xây dựng và phương tiện đi lại: BMW Steyr, KTM, Bombardier - Rotax, Miba, Reform-Werke, Rosenbauer, FACC;

Ngành hóa chất và giấy: Lenzing AG, DSM, Borealis AG, Papierfabrik Nettingsdorf, AMI;

Ngành cơ khí và điều hành nhà máy: Engel, Trumpf Maschinen Austria, Siemens- VAI, Plasser & Theurer, Wacker Neuson;

Công nghiệp thực phẩm: Berglandmilch, Brau Union, S. Spitz, Vivatis.

 

 

 

Tỷ lệ nguồn chi cho nghiên cứu và phát triển trên tổng GDP của bang Thượng Áo là khoảng 3,5% (cao hơn mức trung bình 3,2% của Áo). Trong đó, 80% chi phí cho nghiên cứu và phát triển do khu vực tư nhân chi trả. Khoảng 25% các sáng chế mới của Áo có xuất xứ từ Thượng Áo.

Giáo dục và đào tạo

Thượng Áo có bốn trường đại học, tất cả đều nằm ở Linz.

Với hơn 20.000 sinh viên, Đại học Bang Linz (Johannes Kepler University Linz) là cơ sở giáo dục lớn nhất và cung cấp đào tạo hàn lâm trong các lĩnh vực: khoa học xã hội, kinh tế, luật, y tế, công nghệ và khoa học tự nhiên.

Trường đại học lớn thứ hai của bang là Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Công nghiệp Linz. Ngoài ra còn có Đại học tư thục Thần học Công giáo Linz (KTU) và Đại học tư thục Anton Bruckner.

Với khoảng 5.900 sinh viên, Đại học Khoa học Ứng dụng Thượng Áo cung cấp giáo dục trong các lĩnh vực: công nghệ, kinh doanh và xã hội tại 4 địa điểm là Hagenberg, Linz, Steyr và Wels.

Trường Đại học Johannes Kepler Universität thành phố Linz - Cơ sở giáo dục lớn nhất Bang Thượng Áo

Du lịch

Làng cổ nổi tiếng thế giới Hallstatt nằm trong lãnh thổ bang Thượng Áo. Với hơn 7.000 năm lịch sử, Hallstatt luôn giữ được vẻ quyến rũ vốn có của những ngôi nhà thờ cổ, nhà gỗ, lâu đài thời Trung cổ với lối kiến trúc độc đáo, hình thành nên một ngôi làng cổ kính, đẹp như trong cổ tích, được ưu ái mệnh danh là hòn ngọc của nước Áo.

Hallstatt còn được biết đến là mỏ muối lâu đời nhất thế giới. Năm 1997, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Hallstatt là Di sản thế giới.

Thành phố Bad Ischl và vùng Salzkammergut sẽ là Thủ đô Văn hóa châu Âu năm 2024. Vùng Salzkammergut được sinh ra từ muối, làm giàu nhờ muối - và hiện đang hướng tới tương lai với phương châm: “Văn hóa là muối mới”.

Danh hiệu Thủ đô Văn hóa châu Âu sẽ tạo điều kiện cho vùng này thảo luận các vấn đề trọng điểm trong khu vực và ở châu Âu cũng như cung cấp động lực mới cho tương lai.

Muối và nước đã định hình vùng này từ rất lâu, vì vậy, hiện là lúc để bổ sung một yếu tố cần thiết khác là văn hóa. Nó là chất xúc tác cho sự chung sống bền vững ở vùng Salzkammergut và các khu vực khác.

Lễ hội Ars Electronica là sự kiện quốc tế lớn trong lĩnh vực nghệ thuật số và đã được tổ chức thường niên tại thủ phủ Linz từ năm 1979. Lễ hội này trình bày các xu hướng tương lai và sự phát triển bền vững, dài hạn dưới hình thức các tác phẩm nghệ thuật, diễn đàn thảo luận và hỗ trợ khoa học.

Làng cổ Hallstatt - Di sản văn hóa thế giới

Hợp tác với Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp lớn của bang Thượng Áo đã hợp tác thành công với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.

Tập đoàn Rosenbauer đã cung cấp xe cứu hỏa và thiết bị phòng cháy chữa cháy cho Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Trong khi đó, Tập đoàn delfort group sở hữu nhà máy sản xuất giấy chuyên dụng tại tỉnh Bình Dương từ năm 2014.

Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8/2020, các doanh nghiệp bang Thượng Áo có nhiều cơ hội để tăng cường và mở rộng hợp tác với Việt Nam.

Thời gian tới, bang Thượng Áo và Việt Nam chắc chắc có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng có lợi như công nghiệp, nghiên cứu, du lịch và văn hóa...

Nhóm tin: